Malik Edwards, một người đàn ông bình thường sống ở Australia nói: “Tôi không giúp vợ tôi nấu cơm vì tôi cũng muốn ăn và tôi cũng cần phải nấu. Tôi không giúp vợ rửa bát sau khi ăn vì tôi cũng dùng những món đó. Tôi không giúp vợ trông con vì chúng là con của tôi và tôi có trách nhiệm làm cha. Tôi không giúp vợ rửa bát, phơi hay gấp quần áo, bởi đó cũng là quần áo của tôi và các con. Tôi không phải đang giúp đỡ, tôi là một phần của ngôi nhà này...".
ĐỊNH KIẾN CUỘC ĐỜI
Dường như, đã từ lâu lắm rồi, Đông cũng như Tây, người ta vẫn nói với nhau rằng đàn ông làm việc nhà là giúp vợ. Bằng việc người ta tán tụng những người đàn ông làm việc nhà như thể họ là những “soái ca”.
Định kiến rằng phụ nữ phải rửa bát, lau nhà, nấu cơm cho dẫu chúng ta đã có máy rửa bát, robot lau nhà và dùng nồi cơm điện. Mà những thứ đó đều là đồ công nghệ - thứ mà hầu như đàn ông nào cũng mê mẩn kia mà? Nhưng dường như “ý thức hệ về giới” khiến đàn ông chẳng muốn đụng vào cái máy rửa bát, chẳng muốn chạm vào cái remote điều khiển robot lau nhà hay thậm chí chẳng buồn đọc sách hướng dẫn sử dụng nồi cơm điện. Nên đàn ông nào biết làm mấy thứ đó đều trở thành các soái ca, lạ chưa?
Nó giống như định kiến rằng phụ nữ đừng nên học cao quá khó lấy chồng, định kiến rằng phụ nữ lấy chồng rồi đừng tham công tiếc việc, đừng ham chức tước, đừng theo đuổi những đam mê (hãy làm những con mèo ngoan thì được chồng thương, hư chồng đuổi ra đường). Chưa hết, định kiến còn dành cho cả các bà nữa cơ. Khi mà bà ngoại hay bà nội nào mà không chăm cháu, mải mê đi du lịch, đi khiêu vũ… là cũng bị chính chồng con chê trách, thậm chí có khi bị cả con dâu cấm cảu hoặc nói xấu, nói mát không chừng. Phụ nữ thì phải làm nội tướng, lẽ đời là thế, muôn thuở là vậy rồi.
Không! Tôi cũng chẳng kêu gọi chị em “phá cùm định kiến” đâu! Bởi tôi biết cũng có nhiều chị em coi chuyện bếp núc như một niềm vui, coi chuyện chăm sóc chồng con như một sở thích, khoe nhau những điều đã làm được cho chồng mình, con mình đầy mãn nguyện. Hay như bà nội, bà ngoại lũ con tôi chẳng hạn, dụ dỗ mãi hai bà đi chơi nhưng hai bà không thích, hai bà chỉ thích ở nhà chơi với cháu. Thậm chí bạn bè rủ đi chơi bà ngoại cũng xếp lịch đi ngày cuối tuần vì trong tuần bà đến nhà tôi nấu nướng cho vợ chồng tôi, chơi với lũ cháu ngoại của bà. Bà yêu thích thực sự nên toàn bị vợ chồng tôi doạ cho lũ trẻ đi trại hè cả mấy tháng hè, lần nào cũng bị bà mắng vì “ngăn sông cấm chợ” bà với cháu. Thế nên tôi vẫn nghĩ, nếu đó là hạnh phúc thì chẳng có công việc nào được quyền gắn mác giới tính vào nó cả. Chỉ là nếu ai đó định kiến cho rằng vì mình là phụ nữ nên mình phải thế này, phải thế nọ mới là sai, sai rồi!
Ảnh minh họa
Hôn nhân là gì nếu không làm cùng nhau
Vậy, ai sẽ làm công việc nhà nếu như phụ nữ không thích làm công việc nhà? Ơ kìa, kể cả phụ nữ chứ, nếu công việc nhà các cô không thích làm thì các cô vẫn phải làm, ít nhất là phần của các cô. Cũng như đàn ông vậy. Một khi cả hai không thể dàn xếp với nhau về việc phân công công việc. Hôn nhân là gì nếu không phải là cùng nhau? Là cùng làm với nhau hoặc cùng tìm ra giải pháp thay thế nếu như gặp những việc cả hai không thích. Sẽ không có chuyện việc này của phụ nữ hay việc kia của đàn ông. Bằng nếu có sự bất công nào đó thì đó cũng chính là một vết rạn nứt trong mối quan hệ này rồi!
Tôi không biết có bao nhiêu người phụ nữ đang vì mình là phụ nữ mà khép đi mọi cánh cửa đời mình sau khi lấy chồng. Nhưng tôi biết những tiếng thở dài, tôi thấy những ước mơ bị vùi lấp và thấy cả những tiếc nuối của nhiều người phụ nữ. Chúng ta ai nấy đều chỉ có 24h mỗi ngày nhưng sao nhiều người biến 24h của họ thành tiền bạc, thành trải nghiệm, thành cuộc đời thú vị còn nhiều người biến nó thành cuộc sống nhàm chán, lặp lại và phải làm những điều mình chán ngán đến tận cổ rồi? Đừng đổ lỗi cho số phận hay người đang đồng hành với mình nữa! Số phận vốn hình thành từ tính cách mà tính cách bắt nguồn từ những thói quen. Người đồng hành với mình nhiều khi chẳng phải người mình đã gặp trước đây, đã yêu trước đây, là ta đã khiến họ khác đi vì những gì ta đã im lặng hoặc ta đã thoả hiệp cho qua. Vậy thì trách ai? Không lẽ trách bản thân mình???
Ảnh minh họa
Tôi vẫn nghĩ bất cứ sự thay đổi nào cũng không bao giờ là đã muộn chừng nào chúng ta còn muốn thay đổi. Bằng nếu không muốn thay đổi, chúng ta sẽ chỉ thấy ra những lý do này nọ mà thôi. Hôm nay, bạn thử thay đổi thói quen cố hữu của mình đi được không??? Và nếu như chồng bạn “không thích điều này” thì… ngày mai bạn có thể thử lại cho đến khi hai vợ chồng cùng bàn với nhau về một giải pháp tốt hơn cho cuộc hôn nhân này. Đừng sợ anh ấy đòi ly dị vì nếu anh ấy ly dị vợ chỉ vì vợ anh ta muốn chia sẻ việc nhà cùng anh ta thì rõ ràng thứ anh ta muốn lấy làm vợ xét cho cùng chỉ là một người giúp việc bất kỳ ngoài kia mà thôi! Và này, bạn tốt nghiệp trường đào tạo giúp việc hồi nào vậy?
Ảnh minh họa
Hãy cùng em làm giàu cho cuộc hôn nhân này
Hôn nhân giàu có thì gia đình mới hạnh phúc. Hãy cùng em làm giàu cuộc hôn nhân này, được không?
Trong ngôi nhà này em cũng là một nửa nếu như không muốn nói, em là nội tướng. Còn anh có thể đứng tên chủ hộ. Nhưng em cũng là người điều hành. Em không phải người phụ nữ anh thuê về để làm vợ, gia đình này cũng là máu thịt của em, trách nhiệm của em, nghĩa vụ của em.
Nhất định thế, nhớ nhé! Em phải là người vợ được cưới hỏi đàng hoàng, được rước về chứ không phải được thuê về làm vợ của anh!
Anh không trả tiền để em làm vợ. Tiền anh đưa là trách nhiệm làm chồng, trách nhiệm với gia đình. Em em cũng đóng góp cho gia đình bằng thu nhập của em. Hoặc kể cả khi số tiền em kiếm được không nhiều thì em cũng đã đóng góp ngày công lao động, tâm huyết của em, sức lực của em cho gia đình này. Đừng bao giờ dùng số tiền kiếm được quyết định việc ai là chủ, ai là tớ. Em nhắc lại: Em không phải làm vợ thuê.
Những đứa con của chúng ta cũng vậy, em không đẻ thuê cho anh, dù đúng là chúng giống anh như tạc, thậm chí còn chẳng mang nét nào của em đi chăng nữa. Thì con cũng là con của chúng ta, do em dứt ruột đẻ ra nhưng nó cũng mang một phần máu thịt của anh trong đó. Con có thể yêu anh vì anh là bố nhưng nếu anh yêu em - mẹ của chúng, nhiều hơn, anh sẽ nhận được cả sự kính trọng, tin tưởng, tự hào, muốn học hỏi từ các con. Hãy làm cho tình yêu của các con dành cho anh đầy đủ, vẹn tròn hơn bằng việc đối xử với em tử tế đi! Và em cũng vậy, chắc chắn thế! Dù anh tệ ra sao với em, em vẫn sẽ dạy con tử tế với anh. Vì đó là trách nhiệm và yêu thương của em dành cho con của mình.