Việc thờ cúng tổ tiên, người thân đã mất là trách nhiệm, nghĩa vụ của những người còn sống. Đó còn là vấn đề đạo đức gia đình. Thế nhưng trong một số gia đình, không ít người khốn khổ với nghĩa vụ làm giỗ bởi những nếp nghĩ cổ hủ của các bậc bề trên.
1
Đang giờ làm việc thì Thu nhận được điện thoại của mẹ chồng gọi, bà nhắc tối nay vợ chồng Thu nhớ về họp gia đình để chuẩn bị cho đám giỗ của ông nội chồng sắp tới. Nghĩ đến việc lăn lộn với hơn chục mâm cỗ, rồi lại vật vã dọn dẹp sau đó, Thu bất giác bần thần. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày làm giỗ các cụ là Thu lại mệt mỏi hơn bao giờ hết.
Thu chẳng phải là nàng dâu lười biếng, trốn tránh nghĩa vụ với gia đình chồng. Dù sống riêng bên ngoài nhưng trách nhiệm của con trưởng, vợ chồng Thu chẳng bao giờ nề hà. Hễ bố mẹ chồng gọi là họ lập tức có mặt, phụ giúp về sức lực lẫn kinh tế, việc gì cũng lo chu toàn. Vậy nên, bố mẹ chồng Thu rất tin tưởng con dâu về khoản lo giỗ chạp trong nhà. Ông bà vốn là con trưởng nên trách nhiệm thờ cúng tổ tiên và những người đã khuất trong gia đình lâu nay đều do họ lo liệu. Đây cũng là nguyên nhân khiến Thu nặng gánh chuyện giỗ chạp theo.
Ảnh minh họa
Gia đình chồng Thu đông anh chị em, có những người mất sớm từ khi còn nhỏ. Ngoài việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, bố mẹ chồng Thu còn có nghĩa vụ thờ cúng số anh chị em này. Do vậy, một năm nhà chồng Thu có hơn 10 cái giỗ từ nội, đến ngoại. Giỗ nào, bố mẹ chồng Thu cũng muốn lo chu toàn. Thu kể, ngày đầu về làm dâu, việc đầu tiên bố mẹ chồng cô là “phổ biến” cho cô là vấn đề thờ cúng, lo giỗ chạp trong nhà. Ngày đó, Thu nghĩ, chuyện làm giỗ cũng bình thường vì nhà ai mà chẳng phải làm, ai ngờ ở nhà chồng cô thì lại không hề bình thường chút nào. Bố mẹ chồng cô vốn trọng nếp nấu cỗ làm giỗ xưa nay của gia đình. Dù là 1 mâm cỗ hay 10 mâm cỗ đi nữa thì con cháu cũng phải tự tay làm, không có chuyện đi đặt cỗ sẵn, hay mua một vài món chế biến sẵn bên ngoài về bày lên cúng, thắp hương. Ông bà quan niệm, đám giỗ là dịp để con cháu về sum vầy, tưởng nhớ người đã khuất, cũng là dịp để dạy con cháu giữ nếp nhà. Vậy nên, đám giỗ nào của ai cũng phải làm tươm tất, không có chuyện sửa lễ, làm rút gọn.
Đây là nguyên nhân khiến chuyện giỗ chạp trở thành gánh nặng đối với Thu.
2
Mấy năm nay, tình hình làm ăn của vợ chồng Thu không ổn định nên ảnh hưởng đến kinh tế không ít. Hàng tháng, Thu đã phải cắt giảm chi tiêu nhiều khoản không thiết yếu trong nhà. Tuy nhiên, riêng khoản chi phí lo giỗ chạp bên nhà chồng thì cô không thể nào cắt giảm được một đồng. Nguyên nhân là mẹ chồng vẫn không từ bỏ nếp làm giỗ lâu nay. Thu nhiều lần bảo với chồng sang nhà bàn với bố mẹ, hàng năm nên chọn ra vài đám giỗ làm cỗ mời con cháu đông đủ, còn một số thì làm một, hai mâm cúng, đại diện con cháu đến dự để tiết kiệm bớt chi phí. Bởi càng ngày con cháu lớn lên lấy chồng, lấy vợ sinh con càng nhiều, một đám giỗ đầy đủ các thành phần thì cũng hơn 15 mâm cỗ. Chi phí cho đám giỗ đó cũng hơn chục triệu. Năm nào thực phẩm đắt đỏ thì chi phí lên tới gần 20 triệu chứ không ít. Tính ra quỹ để làm cỗ ở nhà chồng cô hàng năm có thể lên đến cả trăm triệu đồng. Lúc làm ăn được kinh tế có thì không sao, những lúc khó khăn, khoản tiền đó là gánh nặng cho con cháu.
Chồng Thu nghe vợ nói cũng có lý liền sang nói chuyện bàn với bố mẹ nhưng họ không nghe. Vậy là gánh nặng kinh tế lo cho giỗ chạp cứ ngày một nặng hơn. Cũng may, sau này, các em chồng biết ý phụ giúp cho bố mẹ và anh chị phần nào tiền làm cỗ. Tuy nhiên, nó vẫn chẳng thể nào giảm đi nỗi buồn lo của Thu mỗi lần mẹ chồng gọi điện bảo về bàn tính chuyện làm giỗ.
Ảnh minh họa
3
Bố mẹ chồng ngày một già yếu, chuyện giỗ chạp trong gia đình ông bà chuyển sang cho vợ chồng Thu lo chính. Khi đảm nhiệm trách nhiệm này, Thu tính thay đổi nếp làm giỗ để nó không trở thành gánh nặng mà đúng với tinh thần ngày sum họp, tưởng nhớ người đã khuất của các thành viên trong gia đình. Công việc của Thu và các em chồng đều bận rộn nên chuyện làm cỗ, cô muốn “dịch vụ hóa” nó. Nghĩa là, thay vì phải đi chợ mua nguyên liệu rồi về bắt tay vào nấu nướng, thậm chí có những món phải làm dần trước đó một ngày như nấu sẵn măng, cuốn nem, gói giò…thì nay Thu muốn thuê người đến nấu. Như vậy đỡ công chuẩn bị, dọn dẹp sau đó để mọi người có thời gian làm việc khác. Vậy nhưng, bố mẹ chồng vẫn không đồng ý, họ muốn giữ nếp làm cỗ xưa nay, bảo tự tay làm thì mới đảm bảo và thể hiện lòng thành của con cháu, thuê nấu, nếu mua sẵn cỗ thì khác gì làm ăn liên hoan với nhau, mất đi sự thành kính đối với người đã khuất. Thế là, Thu và mấy chị em trong nhà lại chật vật lo toan, xong đám giỗ nào, cánh phụ nữ trong nhà cũng mệt ngơ người vì dọn dẹp, nấu nướng.
Chuyện không dừng lại ở đó, sau dịch Covid-19, nhà ai cũng khó khăn về kinh tế nên chuyện đóng góp người ít, người nhiều, nảy sinh sự không công bằng trong đóng góp. Vậy là mâu thuẫn, bất hòa giữa các anh chị em cứ thế nảy sinh khiến những đám giỗ trở nên nặng nề. Có đám giỗ còn vắng nhà nọ, nhà kia… bố mẹ chồng thấy vậy cũng buồn lòng, trách mắng con cháu vì tiền bạc mà đánh mất lòng hiếu thảo với người đã khuất.
Ảnh minh họa
Năm nay, Thu tính bàn với chồng sẽ về thuyết phục bố mẹ để cho họ tự nấu nướng một mâm cỗ cúng ông nội, còn lại hơn chục mâm cỗ con cháu ăn thì đặt cỗ bên ngoài mang đến. Sang tháng có giỗ bà cô thì sẽ làm đơn giản, mời đại diện, không ăn uống rình rang thế này nữa để tiết kiệm. Như vậy sẽ vẹn cả đôi đường, vẫn thể hiện được sự thành kính đối với người đã khuất mà lại giảm gánh nặng chợ búa, nấu nướng, dọn dẹp khi làm cỗ cho con cháu. Tối đến, Thu gọi điện cho mấy cô em gái chồng và em dâu để họ làm đồng minh của mình trong chuyện này. Ai cũng nhất trí với phương án của Thu và bảo nhất quyết phải “giải phóng” dần trong chuyện giỗ chạp, không để nó trở thành nguyên nhân khiến anh chị em bất hòa, cãi vã nhau chỉ vì gánh nặng kinh tế mà vốn dĩ có thể đơn giản mà vẫn hoàn thành nghĩa vụ với người đã khuất.