Hiện nay, toàn thành phố Hà Nội có 382/382 xã đã về đích nông thôn mới, 18/18 huyện/thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Góp sức vào kết quả đó có vai trò của các cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô.
Phát huy tốt vai trò của phụ nữ
Theo bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội, trong những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình số 04-ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội khoá XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025” và cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Nội tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng.
Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và tổ chức Hội trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, Hội LHPN Hà Nội đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến tiêu chí xây dựng nông thôn mới, vận động phụ nữ và gia đình tham gia xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giao thông nông thôn, phát triển kinh tế, văn hóa giáo dục, bảo vệ môi trường xây dựng hệ thống chính trị, an ninh trật tự tại địa bàn nông thôn.
Hội LHPN huyện Thanh Oai tổ chức ngày hội chung tay phân loại xử lý rác thải.
Cụ thể, Hội LHPN Hà Nội đã chủ trì tổ chức 58 cuộc tập huấn về nội dung của đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến 2025”; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình số 04-ctr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII; các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của Thành phố Hà Nội… cho gần 11.000 cán bộ hội viên phụ nữ. Hội LHPN Hà Nội tổ chức 25 cuộc tập huấn, tuyên truyền về kỹ năng quản lý điều hành mô hình kinh tế tập thể cho phụ nữ, phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp; tập huấn, hướng dẫn phụ nữ tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), hỗ trợ hội viên, phụ nữ khởi sự, kinh doanh, hỗ trợ nâng cao lực cho phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh tích cực tham gia các tổ chức kinh tế tập thể, HTX, tổ hợp tác cho trên 2.800 cán bộ Hội, nữ chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp tác xã do nữ tham gia quản lý điều hành....
Đặc biệt, Hội LHPN Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố ban hành Đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025”, tập trung nguồn lực để phát huy có hiệu quả vai trò nòng cốt của các cấp Hội trong vận động phụ nữ tích cực tham gia xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất tinh thần nông dân. Thực hiện tốt các cuộc vận động, đặc biệt là cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, mô hình “5 có 3 sạch”, các mô hình “Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn” và “Phụ nữ tham gia xử lý rơm, rạ sau thu hoạch”; triển khai chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu… cho hơn 2 triệu lượt cán bộ, hội viên phụ nữ.
Bên cạnh đó, trong các năm 2023, 2024 Hội LHPN Hà Nội tổ chức cuộc thi trực tuyến "Phụ nữ Thủ đô xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; phát động cuộc thi trực tuyến clip tiểu phẩm tuyên truyền “Phụ nữ Thủ đô chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... Báo Phụ nữ Thủ đô, website và fanpage Hội LHPN Hà Nội đăng tải tin bài tuyên truyền về hoạt động về các mô hình kinh tế tập thể, gương điển hình cá nhân làm kinh tế của phụ nữ nông thôn; các chính sách mới trong nông nghiệp, nông thôn; các mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch và mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn…
Nhiều công trình phần việc ý nghĩa của phụ nữ
Xây dựng nông thôn mới góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, trong đó không chỉ có cán bộ hội viên phụ nữ mà người dân đều là những người trực tiếp hưởng lợi. Nhận thức được tầm quan trọng và ý thức được điều đó nên khi có đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025” của Hội LHPN Hà Nội triển khai, chị em phấn khởi, tích cực tham gia và có thêm nhiều công trình phần việc ý nghĩa.
Cán bộ, hội viên phụ nữ tại một buổi truyền thông ”Vai trò của phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới” do Hội LHPN Hà Nội tổ chức.
Tại huyện Gia Lâm, bà Nguyễn Thanh Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm cho biết: Các chi hội duy trì việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm, điểm sinh hoạt cộng đồng, cắt cỏ, tỉa hoa, chỉnh trang các đoạn đường tự quản, đoạn đường nở hoa, đoạn đường cây xanh, nhà văn hóa do phụ nữ đảm nhận, vệ sinh đồng ruộng tại 22/22 xã, thị trấn và 164/164 chi hội đã tạo được hiệu ứng lan tỏa thu hút trên 11.000 lượt người tham gia.
Hội Phụ nữ duy trì 44 khu dân cư “Sáng xanh - Sạch đẹp - An toàn - Văn minh”, 132 đoạn đường, tuyến phố bích họa, nở hoa kiểu mẫu, trồng mới 3.118 cây xanh, 15 vườn hoa; Thực hiện mô hình “Thu gom, phân loại xử lý rác thải hộ gia đình” tại 22/22 xã, thị trấn; tiếp tục thực hiện các mô hình: “Xanh hóa nhà xử lý rác”, “Ngôi nhà của pin”, “Đưa rác thải nhựa đến với hành trình sống xanh”, “Đường hoa tái chế”…
Còn tại huyện Thanh Oai, bà Nguyễn Thúy Mai, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Oai cho biết: Thời gian qua, để xây dựng nông thôn mới đạt được hiệu quả, phù hợp với cán bộ hội viên, Hội Phụ nữ đã tích cực thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, mô hình “gia đình 5 có, 3 sạch”… thu hút được đông đảo cán bộ, hội viên tham gia. Duy trì tốt việc tổng dọn vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm vào thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần đồng thời hướng dẫn hội viên phân loại và xử lý rác thải tại nguồn. Hiện nay, Hội Phụ nữ có 255 đoạn đường tự quản xanh - sạch - đẹp, trong đó có 36 đoạn đường hoa. Đặc biệt đã thực hiện thành công các điểm thường xuyên để rác gây ô nhiễm môi trường thành vườn hoa với diện tích trên 300m2. Duy trì hoạt động có hiệu quả 17 “Chi hội phụ nữ thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm”, 2 tổ hợp tác sản xuất rau quả an toàn tại Kim An, Xuân Dương và tổ chế biến thực phẩm an toàn tại xã Cự Khê. Triển khai có hiệu quả mô hình “Phân loại và xử lý rác tại nguồn” và nhân rộng thực hiện mô hình tại 18 xã, thị trấn...
Tại huyện Ba Vì, thực hiện phong trào xây dựng và giữ gìn thôn xóm, ngõ sáng - xanh - sạch đẹp - an toàn do địa phương phát động, các cấp Hội LHPN huyện Ba Vì đã huy động được hơn 117 nghìn lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia tổng vệ sinh; tham gia trồng cây xanh tại các tuyến đường làng, các điểm sinh hoạt cộng đồng. Đến nay, bằng nguồn xã hội hóa, các cấp Hội đã huy động được hơn 2,9 tỷ đồng, 2.548 ngày công lao động công ích xây dựng đoạn đường tuyến phố sáng, xanh, sạch đẹp; lắp điện chiếu sáng đường dân sinh và vẽ tranh bích họa trên các tuyến đường với chiều dài 1.235m, nâng cấp 32 tuyến đường hoa với tổng chiều dài hơn 10km….
Còn trên địa bàn các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Phú Xuyên, Mê Linh, Thường Tín, Hòai Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai… các cấp Hội tiếp tục thực hiện mô hình ”Sạch đồng ruộng”, phối hợp với trạm bảo vệ thực vật huyện thu gom, xử lý vỏ bao bì, thuốc bảo vệ thực vật, rác thải trong sản xuất nông nghiệp đảm bảo môi trường sinh thái và sức khoẻ cộng đồng.