Thời gian qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát huy truyền thống phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”, các cấp Hội Phụ nữ huyện Đan Phượng đã tích cực thi đua xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với những mô hình, phần việc cụ thể, hiệu quả...
Nhiều mô hình cụ thể, ý nghĩa
Năm 2015, Đan Phượng là huyện đầu tiên của Thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Phát huy kết quả đã đạt được, đến năm 2020 huyện đã có 15/15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; năm 2023 có 15/15 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Đan Phương tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình 04- Ctr/TU của Thành ủy, Chương trình 07-Ctr/HU của Huyện ủy về “Đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới nâng cao theo hướng văn minh, hiện đại gắn với tiêu chí phát triển thành quận giai đoạn 2021 - 2025”.
Bà Nguyễn Thị Bảy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đan Phượng cho biết: Những kết quả trong xây dựng nông thôn mới của huyện có sự đóng góp bền bỉ của các cấp Hội Phụ nữ trong toàn huyện. Hàng năm, BCH Hội LHPN huyện đã xây dựng các chương trình, kế hoạch, phát động phong trào thi đua với chủ đề “Phát huy truyền thống phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”, truyền thống quê hương người gái đảm, cán bộ hội viên, các tầng lớp phụ nữ Đan Phượng tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiến tới xây dựng nông thôn mới “kiểu mẫu”; đồng thời triển khai các cơ sở Hội đăng ký thực hiện các phần việc thiết thực, hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Bảy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đan Phượng thăm hỏi tặng quà gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Theo đó, Hội Phụ nữ tích cực tham gia huy động nguồn lực, gắn với triển khai 8 tiêu chí của cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới bằng các hoạt động, các mô hình, phần việc cụ thể: Hội đã tuyên truyền vận động 128 hộ gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ tự nguyện hiến hơn 1.680m2 đất thổ cư và 80,2m2 đất nông nghiệp trị giá hàng chục tỷ đồng để xây dựng, chỉnh trang đường làng, xóm ngõ. Tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên phụ nữ đóng góp ngày công, kinh phí để chỉnh trang ít nhất 1 đoạn đường có hoa/ đường bích họa/tuyến đê kiểu mẫu… Từ đường lớn đến ngõ nhỏ trong tại các thôn tổ dân phố đều có thể nhìn thấy hình ảnh những người phụ nữ không quản mưa nắng, sớm tối cùng với các đoàn thể và người dân nỗ lực tham gia làm sạch, đẹp các con đường trên mảnh đất quê hương. Hội Phụ nữ đã vận động xã hội hóa lắp đèn chiếu sáng và mua hơn 15.000 thùng rác có nắp đậy tại gia đình trị giá 1,8 tỷ đồng; tặng 2.670 thùng rác cho gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Cùng với các mô hình trọng tâm của Hội tổ chức trong thực hiện các tiêu chí vệ sinh môi trường như mô hình vệ sinh đường giao thông nội đồng, làm sạch đồng ruộng, hàng tháng, hàng quý, Hội Phụ nữ cơ sở tổ chức ra quân thu gom bao bì chai lọ thuốc bảo vệ thực vật và vệ sinh đường nội đồng; đảm nhận trồng và chăm sóc đoạn đường có hoa, đường bích họa và đảm nhận vệ sinh môi trường, trồng và chăm sóc hoa, cây xanh tại các điểm sinh hoạt cộng đồng tại khu dân cư. Đến nay đã nhân rộng 64 đoạn đường có hoa với chiều dài 12.174m và 784m2 đường bích họa; trồng chăm sóc hoa cây xanh tại 26 nhà văn hóa với tổng kinh phí 871 triệu đồng và hàng trăm ngày công lao động. Hội LHPN huyện đã xây dựng mô hình điểm, đồng thời nhân rộng triển khai 16/16 cơ sở Hội tổ chức thực hiện. Thông qua mô hình hội viên phụ nữ và người dân dần thay đổi thói quen và biết tự phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hội gia đình vừa bảo vệ môi trường, vừa có nguồn phân hữu cơ để sản xuất nông nghiệp.
Để giúp phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Hội đã ủy thác, tín chấp vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn với số dư nợ đang quản lý hơn 300 tỷ đồng giúp 5.079 thành viên vay. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ kiến thức chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển giao KHKT cho hội viên phụ nữ. Toàn huyện đã chuyển đổi 1.624,5ha từ trồng lúa, hoa màu năng suất thấp sang cây trồng, cây ăn quả năng suất hiệu quả, giá trị kinh tế cao. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội góp phần đưa thu nhập bình quân của người dân năm 2024 đạt 86 triệu đồng/người/năm. Trong 10 năm qua, các cấp Hội Phụ nữ đã giúp hơn 1.045 hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, ra khỏi diện cận nghèo. Vận động xây sửa 42 “Nhà tình nghĩa”, “Mái ấm tình thương” cho gia đình chính sách, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ nghèo…
Không chỉ giúp hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, các cấp Hội Phụ nữ huyện Đan Phượng còn đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn hóa tại gia đình và cộng đồng. Cụ thể, các CLB văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cũng được các cấp Hội nhân diện rộng và thu hút sự tham gia của các chị em. Ngoài ra, các cấp Hội đã xây dựng được 12 điểm di tích lịch sử văn hóa kiểu mẫu, mô hình chợ văn minh, an toàn, hiệu quả tại 3 chợ truyền thống trên địa bàn. Ra mắt các mô hình vận động phụ nữ ứng xử đẹp, thực hiện nếp sống, lối sống người Hà Nội thanh lịch - văn minh. Tỷ lệ gia đình hội viên đạt gia đình “5 không, 3 sạch”, gia đình văn minh. hạnh phúc hàng năm đạt từ 86,5 - 92%.
Các đại biểu thăm mô hình Tuyến đường kiểu mẫu nở hoa tại huyện Đan Phượng.
Tiếp tục phát huy truyền thống phụ nữ “Ba đảm đang”
Năm 2025 với chủ đề "Phát huy truyền thống phong trào "Ba đảm đang", phụ nữ Đan Phượng tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" gồm một số nội dung trọng tâm: Tổ chức tốt hoạt động giáo dục truyền thống, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Luật Thủ đô. Phát động và triển khai có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội thi đua yêu nước các cấp.
Duy trì và nâng cao chất lượng phong trào "Phụ nữ Đan Phượng sống xanh" gắn với thực hiện có hiệu quả cuộc thi "Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn và thông minh" trên địa bàn huyện nhằm hưởng ứng phong trào xây dựng Thủ đô "Sáng, Xanh, Sạch, Đẹp"; nâng cao chất lượng phong trào "Xây dựng người phụ nữ Thủ đô Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch", góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới" gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nhấn mạnh những nhiệm vụ trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Bảy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đan Phượng cho biết: Để tham gia thực hiện mục tiêu nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với xây dựng và phát triển huyện Đan Phượng nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, văn hiến, các cấp Hội Phụ nữ huyện Đan Phượng cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp gồm: Tập trung tổ chức nhiều hoạt động bồi dưỡng, giáo dục, tạo môi trường để cán bộ, hội viên phụ nữ tự tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động khích lệ, động viên, hỗ trợ để mỗi phụ nữ Đan Phượng chủ động thi đua đóng góp công sức xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện xây dựng gia đình “5 có, 3 sạch” và xây dựng huyện xanh, văn minh, văn hiến.
Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp tâm huyết, có trình độ, kỹ năng, phương pháp công tác, sáng tạo, có khả năng động viên, tập hợp phụ nữ tham gia các phong trào thi đua. Kịp thời ghi nhận, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua của Hội, của địa phương đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới để khích lệ chị em hội viên và nhân rộng lan tỏa phong trào rộng khắp trong cộng đồng.